Trẻ 8 tháng tuổi bị nổi hạch liên tục ở sau gáy
Chào bác sĩ,
Bé nhà em được hơn 8 tháng ở cổ với sau gáy bé có hạch bằng mấy milimet. Mấy hôm trước má bên phải với sau gáy bé bị sẩn nhiều mụn đỏ em có ra hiệu thuốc bác sĩ có bán cho lọ thuốc về bôi. Sau hai hôm bôi thì bé hết mụn. Mấy hôm sau em thấy bé bị nổi hạch ở cổ với sau gáy nhưng sờ vào bé không thấy đau. Mà từ hôm qua ở sau đầu bé em lại thấy bé bị sẩn mụn ở sau đầu thấy bé hay cho tay lên đầu gãi. Bác sĩ cho em biết liệu bé nhà em có bị làm sao không ạ ? Bác sĩ giải đáp giúp em chứ hiện giờ vợ chồng em đang lo lắng lắm ạ.
Em xin cảm ơn bác sĩ ạ.

Chào em,
Thực ra, tình trạng nổi hạch ở sau gáy ở trẻ nhỏ không phải là hiếm gặp. Hạch này thường có kích thước từ vài milimet đến 2 cm ( khoảng bằng hạt đậu )di động dưới da và không gây ra đau đớn. Hạch có chức năng bảo vệ, tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ, giúp sản xuất bạch cầu và kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi trùng, vi rút… Nên nguyên nhân khiến cho trẻ bị nổi hạch thường là do trẻ bị nhiễm trùng, bị siêu vi tấn công. Dấu hiệu nhận biết là hiện tượng viêm, sưng, nóng, đỏ. Những vị trí hạch dễ bị sưng và sờ được là vùng hai bên cổ, sau tai, nách và bẹn.
Hạch được gọi là lành tính khi nguyên nhân đến từ các bệnh viêm thông thường của đường hô hấp trên như viêm loét a-mi-đan, viêm họng, viêm tấy nướu (lợi) răng, viêm loét lớp lót của miệng, viêm tuyến nước bọt, việc cháu bị nổi mụn cũng có thể là nguyên nhân. Nếu bé nhà em chỉ bị nổi hạch và không có hiện tượng bất thường khác nào thì không cần điều trị. Ngược lại khi bé có biểu hiện sốt cao trên 38 độ C không rõ nguyên nhân, hạch sưng to, có màu đỏ, da có vết thương bị chảy máu… kéo dài 2 tuần cần đưa đến bệnh viện.
Mụn ở trẻ sơ sinh là một tình trạng phổ biến, thường tạm thời ở trên da mặt hay da cơ thể của bé. Tình trạng này thường gây ra những mụn nhỏ màu đỏ hay trắng. Việc bé nhà em hay gãi khu vực sau đầu rất có thể khiến cho vùng đi bị viêm, dẫn tới tình trạng nổi hạch hiện giờ của bé. Gãi, chà xát lên các nốt mụn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn tại chỗ,.khiến việc xử lý mụn khó khăn hơn rất nhiều.
Đa số nguyên nhân khiến bé bị sẩn mụn nhiều ở sau đầu thường là do da bé còn mỏng và thường nhạy cảm. Để khắc phục hiện tượng nổi mụn này của bé bên cạnh việc bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ, em còn cần phải thường xuyên dùng khăn thấm mồ hôi ở vùng sau gáy và vùng đầu của bé. Khi rửa mặt hay lau đầu cho bé em nên lau nhẹ bằng một tấm vải sạch mỏng, lau chuyển động theo hình vòng tròn. Sau đó, dùng khăn lông chạm thấm nhẹ để làm khô. Chú ý không cho bé dùng bất cứ sản phẩm xà phòng thơm, sữa tắm tạo bọt hay bất kỳ dạng xà phòng nào khác có chứa nhiều chất hóa học. Thường xuyên tắm rửa cho bé bằng nước ấm, thay quần áo mới sạch sẽ hằng ngày. Cho bé ở nơi sạch sẽ, mặc quần thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt, tạo cảm giác dễ chịu. Tránh mặc quần áo chật bó sát vào người bé hoặc quần áo có chất vải cứng. Chú ý rửa tay sạch sẽ cho trẻ thường xuyên vào trước khi ăn và động chạm vào nhiều đồ vật.
Chúc em và gia đình nhiều sức khỏe !