"Vỡ kế hoạch" khi vừa tiêm vắc xin covid 19 có nên giữ thai?
Em năm nay 31 tuổi, em sinh mổ bé cách đây 19 tháng, hiện em mới thử que phát hiện 2 vạch, kỳ kinh cuối của em là ngày 30/07/2021, ngày em chích vacxin covid 19 - vacxin Mo-der-na là ngày 14/8/2021, do tình hình dịch bệnh nên em chưa đi khám thai được, mong Bác sĩ tư vấn giúp em 2 vấn đề:
1. Em mới vừa chích vacxin mà có thai thì có ảnh hưởng gì đến thai nhi không ạ?
2. Em có thai sau sinh mổ 19 tháng thì quá trình mang thai có ổn không ạ? (Do em bị vỡ kế hoạch)
Xin Bác sĩ hãy tư vấn giúp em. Em cảm ơn rất nhiều ạ!

Chào em!
Qua thư của em gửi tới chương trình chúng tôi nhận thấy vấn đề hiện tại của em là em mới phát hiện mang thai, nhưng lại lo lắng vì mình mới tiêm phòng vắc xin covid 19 và em cũng mới sinh mổ cách đây 19 tháng, nên em lo sợ quá trình mang thai thai nhi có thể gặp các vấn đề bất thường và có những nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Em đang băn khoăn mình có thể giữ thai không, và nếu có thai thì nên chú ý điều gì để quá trình mang thai được an toàn. Chúng tôi sẽ tư vấn cho em về vấn đề trên như sau:
Vắc xin covid 19 (Mo-der-na) là một loại vắc xin phòng covid 19 của Mỹ được chỉ định sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên. Vắc xin được kiểm chứng có hiệu quả phòng ngừa cao, lên tới 94,1% trong quần thể được nghiên cứu, có cả tác dụng phòng ngừa cả biến thể delta và có tác dụng phòng ngừa kéo dài trên 1 năm. Trước kia, chưa có đầy đủ các nghiên cứu nên vắc xin này được cảnh báo chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên từ ngày 10-8-2021 Bộ Y tế đã thay đổi quyết định dựa trên các nghiên cứu mới nhất, phụ nữ mang thai từ tuần 13 trở ra và phụ nữ đang cho con bú có thể sử dụng vắc xin. Thêm vào đó, Tổ chức Y tế thế giời WHO cũng không khuyến cáo cần trì hoãn mang thai ở phụ nữ tiêm phòng vắc xin này. Hiện nay chưa ghi nhận những trường hợp dị tật bẩm sinh hoặc phát triển bất thường ở thai nhi do tiêm phòng vắc xin covid 19 Mo-der-na, vì thế em thụ thai trong thời gian tiêm phòng vắc xin cũng không phải trường hợp bắt buộc phải bỏ thai, em không cần quá lo lắng về vấn đề này. Thời gian tới, em chú ý thăm khám sàng lọc ở các thời điểm quan trọng như 6-8 tuần nên kiểm tra một lần xem thai đã có tim thai hay chưa, kích thước thai thế nào, tuần 11-14 nên làm xét nghiệm double test và siêu âm đo độ mờ da gáy để xem thai nhi có hội chứng bất thường Nhiễm sắc thể hay không, tuần 15-20 làm xét nghiệm triple test và siêu âm màu. Về sau thai kỳ, có thể kiểm tra tại các thời điểm tần 22, 28, 32, sau tuần 36 nên kiểm tra mỗi tuần một lần.
Khi em sàng lọc đầy đủ, kỹ càng có thể kiểm chứng và phát hiện khoảng 80% các loại dị tật bẩm sinh, nên em chú ý kiểm tra đầy đủ. Ngoài ra, việc mang thai sau sinh mổ thường được khuyên rằng chỉ nên sinh con 2 lần và cách nhau 3-5 năm. Tuy thế, gần đây kỹ thuật mổ của bác sỹ ở hầu hết các tuyến bệnh viện đều đã được nâng cao, nên vết mổ sẽ có thể liền nhanh hơn (so với phương pháp mổ dọc thời trước), nên nếu như có thai từ sau sinh tối thiểu 6 tháng đã có thể giữ thai một cách tương đối an toàn nếu như lần sinh trước em không có biến chứng gì. Bé nhà em đã được 19 tháng và em mới có thai lại thì cũng không cần quá lo lắng quá. Em chú ý ăn uống đầy đủ, khoa học để đảm bảo cân nặng của thai nhi vừa phải trong tiêu chuẩn, không để thai bị suy dinh dưỡng hay ngược lại thai quá to cũng sẽ gây ra bất lợi với vết mổ cũ của mình. Ngoài ra, chú ý kiêng lao động nặng, bê vác nặng, sinh hoạt vợ chồng nên hạn chế để đảm bảo quá trình mang thai được an toàn.
Chúc em thai kỳ khỏe mạnh!