Bệnh tuyến giáp có ảnh hưởng đến rụng trứng và sinh em bé?
Chào bác sĩ.
Cháu có điều này rất thắc mắc, rất mong được các bác sĩ tư vấn giúp cháu. Cháu năm nay 27 tuổi và đã kết hôn được gần 3 tháng. Kinh nguyệt của cháu từ trước khi lấy chồng mấy tháng đến nay khá đều đặn. vợ chồng cháu cũng quan hệ thường xuyên nhưng chưa thấy có tin vui. Cháu đã từng đi khám ở bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhưng các bác sĩ nói cháu bình thường. Trong tháng thứ hai sau kết hôn cháu đã dùng que thử rụng trứng từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 25 của chu kỳ nhưng không hề thấy 2 vạch lần nào. Cháu có tiền sử bệnh bướu cổ từ năm cháu 10-11 tuổi nhưng cháu đã chữa trị từ ngày đó. Tuyến giáp của cháu kích thước từ ngày đó đến nay không to thêm. Cháu hầu như cũng không thấy biểu hiện gì về bệnh bướu cổ này nữa từ nhiều năm liền.
Cháu được biết bệnh tuyến giáp có ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, vậy với biểu hiện của cháu, bác sĩ cho cháu hỏi: việc cháu không thấy hiện tượng trứng rụng (mà vẫn có kinh), có bị ảnh hưởng gì từ bệnh tuyến giáp của cháu trước kia không? Và cháu phải làm thế nào để nhanh có em bé? Rất mong lời khuyên từ bác sĩ.
Cháu xin chân thành cảm ơn.

Chào em!
Thử que rụng trứng không lên vạch là do trứng không rụng dẫn đến nội tiết LH không thể lên đạt đỉnh khiến que thử không thể lên vạch được. Kinh nguyệt là hiện tượng bong ra của lớp niêm mạc tử cung mà không liên quan đến việc trứng có rụng hay không? Những chu kỳ không có trứng rụng thì vòng kinh có thể sẽ bị dài hoặc ngắn hơn chu kỳ kinh thông thường. Tuy nhiên cháu mới chỉ dùng que thử rụng trứng một chu kỳ thì chưa thể khẳng định được, bởi cũng có những chu kỳ không phóng noãn.
Em đã từng bị bệnh liên quan đến tuyến giáp nhưng không nói rõ là bị bệnh gì, nếu trường hợp em bị bướu cổ đơn thuần trong bệnh lý về tuyến giáp thì không ảnh hưởng gì tới khả năng sinh sản của em sau này, nhưng em cần chú ý đến chế độ ăn của mình giàu hàm lượng iod hơn, tránh các thực phẩm cản trở hấp thụ iod như cải bắp, củ cải, đậu nành... Nếu trường hợp, em bị bướu cổ trong bướu nội tiết hay gọi là basedow thì sẽ gây ảnh hưởng tới việc sinh sản sau này.
Basedow có thể gây ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị mang thai như: Mức độ hormon tuyến giáp thấp có thể cản trở sự rụng trứng, làm suy yếu khả năng sinh sản của người phụ nữ. Ngoài ra, progesterone đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị nội mạc tử cung cho trứng thụ tinh. Khi progesterone bị thiếu, trứng sẽ khó thụ tinh với tinh trùng hơn nên sẽ tăng nguy cơ vô sinh… Nếu mang thai cũng sẽ có nhiều nguy cơ hơn cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy sau khi đã điều trị ổn định vẫn cần phải theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, khi đã có thai thì cũng cần theo dõi thai sát hơn trong suốt thai kỳ.
Hai vợ chồng em chỉ mới cưới 3 tháng nên việc chưa có thai cũng là điều bình thường, vì vậy em đừng quá lo lắng. Nhưng em vẫn cần đi kiểm tra lại sức khỏe tuyến giáp của mình càng sớm càng tốt, nếu tất cả bình thường sau khi quan hệ đều đặn 3- 6 tháng sau mà chưa có bé thì cả hai vợ chồng em nên đi kiểm tra sức khỏe sinh sản tổng thể lại lần nữa. Chú ý kiểm tra tuyến giáp định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, đảm bảo bữa ăn đủ dưỡng chất, tập thể dục đều đặn, tránh tăng, giảm cân đột ngột, stress, mệt mỏi kéo dài… để bảo vệ sức khỏe tuyến giáp và sức khỏe cơ thể.
Chúc em sức khỏe và hạnh phúc!
Bạn được tư vấn bới Tổng đài tư vấn Ánh Dương 1900.6802.
Để được tư vấn về Sức Khỏe Sinh Sản cùng các chuyên gia VOV - Cửa Sổ Tình Yêu mời em gọi 1900.6802 nhấn phím 2. Xin cảm ơn!