Có nên mang thai khi bị rối loạn tiền đình ở tuổi 39???
Thưa bác sĩ,
Em xin có một vấn đề muốn nhờ bác sĩ giúp đỡ ạ. Em năm nay 42 tuổi, vợ em 39 tuổi. Chúng em có dự định sinh thêm bé. Tuy nhiên, vợ em lại đang bị rối loạn tiền định. Em xin bác sĩ lời khuyên xem nếu sinh con ở độ tuổi này thì vợ em có bị ảnh hưởng gì không? Và bệnh rối loạn tiền đình có bị ảnh hưởng gì khi mang thai không ạ?
Em xin cảm ơn nhiều.

Chào em,
Theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu, khả năng sinh sản của phụ nữ ngày càng giảm sau tuổi 35 và giảm mạnh nhất sau tuổi 38. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng trứng – chất lượng trứng (gọi chung là dự trữ buồng trứng) giảm. Phụ nữ mang thai ở độ tuổi từ 35-39 có nguy cơ mắc huyết áp cao trong thai kì cao hơn phụ nữ trẻ tuổi đến 2 lần. Đối với bệnh tiểu đường, họ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn từ 2-3 lần so với phụ nữ trên 35 tuổi, đặc biệt với những người đã béo từ trước đó. Chưa kể tuổi tác gia tăng thường kèm theo nhân xơ, lạc nội mạc tử cung nên có thể xảy ra rủi ro nhất định trong thai kỳ cũng như quá trình sinh nở.
Mặt khác ở độ tuổi 42 của em hiện giờ thì chất lượng tinh trùng cũng sẽ có xu hướng bị giảm sút. Khi bố và mẹ có chất lượng trứng cũng như tinh trùng giảm sút sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của phôi thai. Từ đó khiến cho tỷ lệ thai nhi có bất thường về nhiễm sắc thể cũng cao hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến thai nhi dễ mắc dị tật bẩm sinh như Down, Edward, Patau,… Theo đó, việc mang thai và có con ở độ tuổi hiện giờ của hai em là khá khó khăn và có nhiều rủi ro đi kèm theo.
Thực tế cho thấy phụ nữ bị rối loạn tiền đình vẫn hoàn toàn có thể mang thai và sinh nở như những người phụ nữ khác. Rối loạn tiền đình khi mang thai không ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi nhưng lại có tác động gián tiếp đến bé. Khi có bầu bị rối loạn tiền đình sẽ khiến cơ thể người mẹ mệt mỏi, chán nản, khó ăn uống sẽ ảnh hưởng tới thai nhi, khiến cho thai nhi không được phát triển tốt toàn diện, trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng, thấp còi,... Tình trạng rối loạn tiền đình còn khiến mẹ bầu luôn trong trạng thái căng thẳng, khó chịu, tâm lý bị thay đổi, rất dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, thậm chí bị trầm cảm. Chính điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và trí não của em bé trong bụng mẹ. Bệnh lý này còn khiến các mẹ khó khăn trong sinh hoạt, đi đứng không vững, hoa mắt chóng mặt, tụt huyết áp dẫn đến các trường hợp xấu là mẹ bầu bị té ngã, cực kỳ nguy hiểm đến thai nhi. . Do vậy, nếu vợ em có ý mang thai và sinh nở khi bị rối loạn tiền đình thì cần phải thường xuyên thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe của cả mẹ và con.
Chúc em và gia đình nhiều sức khỏe!