Ám ảnh việc lây nhiễm HIV trong môi trường sống
Bác sĩ ơi. Bác sĩ giúp em với, từ khi biết tới HIV, em luôn trong tình trạng lo lắng, người khác đụng vào người em sợ tay họ dính máu rồi đụng vô vết thương. Tay chân bị thương thì em sợ sẽ cầm vào những vật có máu, thậm chí mỗi khi chân bị nhức em còn nghĩ có người vứt kim tiêm vô nhà để mình dậm lên, và vô vàn các lí do viễn cảnh khác. Mà em vẫn rất sợ HIV, mà do công việc lao động nhiều nên trên người em cũng không ít vết thương, sợ càng thêm sợ. Em đã cố gắng kiềm chế lại, tự ngẫm là "ko sao đâu, mình không qhệ với ai, cũng không có lâm vào tệ nạn xã hội mà" nhưng nỗi sợ ấy cứ bám riết em. Em không dám tâm sự với ai vì họ sẽ nghĩ em là điên, đó giờ em cứ nghĩ HIV chỉ lây qua q.h.t.d không an toàn, tiêm chích. Nhưng ai ngờ cũng lây qua vết thương, cũng có nhiều trường hợp nhiễm HIV không rõ nguyên nhân, nỗi sợ chồng chất lên nhau khiến cả tuần nay em ăn ngủ không được ngon. Sống trong nỗi sợ, em không dám giải bày với ai, chỉ dám ở đây để được tâm sự cùng bác sĩ. Lần trước em thử để bạn em khoác tay lên vai, em không muốn trốn tránh nỗi sợ, em muốn đối diện và chiến thắng nó, nhưng hết lần này đến lần khác em chủ yếu toàn thất bại. Bác sĩ có thể cho em lời khuyên để em vượt qua nỗi sợ này không ạ. Nỗi sợ của em đến từ các vết thương, cảm giác nhức ở chân vì sợ dậm kim tiêm. Dạ thưa bác sĩ, em có thể hỏi thêm 2 câu ngoài lề không ạ
1) cảm giác nhức lòng bàn chân của em là sao vậy ạ, dịch nên em chỉ ở nhà, mà vì nhức chân kèm sợ HIV nên em nghĩ là có người vứt kim tiêm vô nhà, vô khăn dậm chân
2) hôm nay nước máy nhà em chuyển thành màu nâu đen, em sử dụng để tắm rửa có an toàn ko ạ, nước có mang mầm bệnh gì ko. Vì người em có vết thương nên em cũng sợ
Qua tâm sự của em có thể trông em giống 1 kẻ điên. Nhưng em rất mong nhận được sự trợ giúp từ bác sĩ ạ. Vì em ko còn nơi nào để tâm sự nữa. Em xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều

Chào em!
Qua tâm sự em gửi tới chương trình chúng tôi đã hiểu được nỗi lo lắng của em đối với căn bệnh HIV. Theo như em nói trong thư, dù không có bất cứ hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV nào, nhưng em vẫn luôn sống trong nỗi sợ hãi, bởi vì trên người em có nhiều vết trầy xước, em sợ nó sẽ tiếp xúc với loại dịch tiết nào đó của người HIV và gây lây nhiêm sang mình.
Bệnh HIV ở giai đoạn trước được coi là nỗi khiếp sợ cho toàn thế giới. Bởi vì nó có thể dẫn dến tử vong và không có thuốc chữa. Thế nhưng, ngày nay bệnh HIV đã trở thành một bệnh bình thường như bao bệnh khác, bởi vì người ta đã có những cách đề phòng ngừa nó ngay từ khi xác định được nguy cơ như sử dụng thuốc phòng phơi nhiễm PEP trong 72h đầu sau nguy cơ, người ta cũng phát hiện bệnh sớm hơn mà không cần chờ hết thời gian cửa sổ 6 tháng như khi trước. Ngoài ra, với những bệnh nhân đã nhiễm virus người ta vẫn có thể điều trị để virus bị ức chế, khống chế tải lượng virus ở dưới ngưỡng phát hiện, điều này giúp giảm nguy cơ lây lan ra cộng đồng cũng như kéo dài cuộc sống, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Vì thế, với người bị HIV bây giờ thì họ cũng giống như những người bình thường mắc các bệnh khác như là đái tháo đường, tăng huyết áp,... chỉ cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ định, sử dụng thuốc hàng ngày là có thể chung sống "hòa bình" với bệnh. Thế nên em hãy nghĩ thoáng ra, đừng quá áp lực về "căn bệnh thế kỷ" mà thành ra hoang mang, tưởng tượng những nguy cơ dù mình không có.
Với bệnh HIV thì đúng thật nó có thể lây qua 3 con đường: QHTD không an toàn, mẹ sang con, và đường máu (tiêm chích, tiếp xúc trực tiếp vết thương hở với máu hoặc dịch tiết chứa virus). Thế nhưng, để lây HIV qua đường tiếp xúc cũng không phải dễ dàng. Bởi người lành cần có vết thương hở đang chảy máu, còn những vết thương đã đóng vảy cũng được coi là có hàng rào bảo vệ ngăn cản virus xâm nhập vào trong máu, thứ hai là tiếp xúc trực tiếp với dịch chứa lương lớn virus như máu, dịch tiết sinh dục, không phải loại dịch nào cũng chứa virus. Ví dụ như nước mắt, nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, sữa mẹ, ... là những dịch tiết không phát hiện hoặc lượng virus rất thấp không đủ để lây. Vì thế nhưng hành động như khoác vai, ôm nhau, thậm chí hôn nhau cũng không phải là nguy cơ lây bệnh em nhé. Em nên tìm hiểu nhiều hơn về bệnh này qua những trang mạng chính thống của các cơ quan, bệnh viện, khi mình có đầy đủ thông tin mình sẽ không bị hoang mang bởi những lo lăng viển vông nữa. Còn về vấn đề nhức bàn chân em nên đi thăm khám, bởi nó có nhiều nguyên nhân gây ra, có thể co em lao đông nhiều, chấn thương trong quá trình lao động mà không để ý hoặc có vấn đề về cơ xương khớp, viêm thần kinh ngoại biên,... Nên đi khám nếu kéo dài và không có dấu hiệu đỡ đi khi nghỉ ngơi. Thứ hai là nước máy chuyển sang màu nâu đen thì đây là một vấn đề cần đặc biệt lưu ý, bởi có thể chứa những chất thải độc hại, những mầm bệnh có thể gây ra nhiễm trùng, đặc biệt với người có nhiều vết thương hở như em. Em nên tìm biện pháp khác như mua máy lọc nước gia đình, hoặc tạm thời chưa có điều kiện thì nên xây bể lọc để lọc lại nước này và đun sôi trước khi sử dụng.
Chúc em sức khỏe!