Bị chó cắn khi nào nên tiêm ngay, khi nào nên theo dõi?
Hôm trước ngày 16/9/2021, em đi làm do không để ý nên bị 1 con chó mới đẻ ở nhà khách hàng nó cắn vào chân em (kiểu chó cảnh nhưng cũng to bằng chó cỏ trưởng thành của mình), cắn bên ngoài quần bò, nó chỉ cạp vào 1 cái là nó nhả ra. Em vén quần lên thì không thấy vết răng hay chảy máu gì cả, nhưng 10 phút sau về nhà rửa oxy già thì thấy 1 nốt sất nhỏ như đầu diêm mà không thấy xót, không biết do chó cắn bị sất da hay em gãi bị sất da. Em có xin số điện thoại chủ nhà và theo dõi 3 ngày nay thì con chó vẫn khỏe mạnh ăn uống, nuôi con bình thường. Con trai chủ nhà nói chó nhà có tiêm phòng cách đây mấy tháng rồi, khoảng đầu năm. Nhưng em vẫn thấy lo lắng, không biết có nên đi tiêm phòng không nữa hay tiếp tục theo dõi con chó đó sau 15 ngày nữa. Em lên trung tâm y tế xã thì họ bảo không tiêm, về theo dõi con chó đó xem sao rồi tiêm chưa muộn. Nhờ bác sỹ tư vấn giúp em với ạ!

Chào em!
Qua thư em gửi tới chương trình chúng tôi được biết mấy ngày trước em có bị chó cắn vào chân, ngoài quần, về nhà em có thấy một vết xước to bằng đầu que diêm nhưng em không rõ vết thương là do chó cắn tạo thành hay do em gãi nên bị xước ra. Em cũng có hỏi ý kiến chủ nhà và được biết chó đã tiêm phòng từ đầu năm, thêm vào đó em tới trạm y tế bác sỹ bảo không cần tiêm phòng ngay mả cứ theo dõi chó. Tuy nhiên em vẫn không thôi lo lắng về vấn đề này nên gửi thư tới chương trình để được tư vấn.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm, gây ra bởi vi rút và đường lây truyền chủ yếu là từ vật nuôi (chủ yếu là chó, mèo...) lây truyền sang cho người qua vết cắn, hoặc liếm vào vết thương hở trên da người. Bệnh vô cùng nguy hiểm bởi nếu không phòng ngừa và điều trị kịp thời thì khi bệnh phát tác tỷ lệ tử vong là 100%. Do đó, không có gì khó hiểu khi nguy cơ của em tương đối thấp nhưng em vẫn không khỏi lo lắng. Tuy thế, không phải trường hợp nào khi bị chó cắn đều cần tiêm phòng ngay lập tức. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì với những trường hợp nguy cơ cao như chó cắn có biểu hiện nhiễm dại, không thể theo dõi được tình trạng của chó sau khi cắn, cắn vào vùng đầu, mặt, cổ,... tức những vùng gần thần kinh trung ương thì cần tiêm ngay sau khi bị cắn, càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trường hợp của em thứ nhất là chó cắn ngoài quần, vết thương chân, xa thần kinh trung ương, thêm vào đó, em có thể theo dõi được chó bởi em quen biết với chủ nhà, họ cũng cho biết rằng chó nhà họ có tiêm phòng dại cách đây mấy tháng (khi này vắc xin có hiệu quả phòng bệnh lên tới 99%), nên nguy cơ của em được xếp vào dạng rất thấp. Trường hợp này, tốt nhất em nên nghe theo lời bác sỹ ở trung tâm y tế dự phòng em nhé.
Em hãy cứ yên tâm bởi thông thường chó bị bệnh dại sau khi cắn người sẽ thường chỉ sống được 3-7 ngày với thể dại điên cuồng, còn với thể loại dại câm thì thời gian ngắn hơn, thường chúng chỉ sống được 2-3 ngày. Nên nếu theo dõi chó sau 15 ngày chó vẫn khỏe mạnh bình thường thì em không cần tiêm phòng nữa. Thời gian ủ bệnh của bệnh dại ở người từ sau khi tiếp xúc với virus (thời điểm bị cắn) cho đến khi phát bệnh trung bình từ 35-65 ngày, nên nếu sau khoảng 10 ngày mà không theo dõi được chó, hoặc chó chết vì bất cứ nguyên nhân gì em đi tiêm vẫn có hiệu quả phòng vệ tốt, do đó không cần lo lắng quá mức.
Chúc em sức khỏe!