Bị chó đã tiêm phòng cắn có cần phải đi chích ngừa dại?
Xin chào bác sĩ,
Em vừa bị cún (chó) của em gần 2 tuổi đã tiêm phòng dại và các loại tiêm phòng khác đầy đủ rồi cắn vào vùng mũi và tay trái. Vết thương không nặng, vùng tay chỉ bị bầm nổi lên như gân xanh và vùng mũi bị 1 lỗ nhỏ. Bác sĩ cho em hỏi như vậy thì em có cần đi tiêm ngừa dại không ạ?
Cảm ơn bác sĩ đã tư vấn.

Chào em,
Dại là bệnh lý viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương, bao gồm não và tủy sống, gây ra bởi virus dại. Tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể người thông qua các vết cào, cắn từ các con vật mắc bệnh dại, phổ biến nhất là chó. Thậm chí, người mắc bệnh dại có thể do bị chó liếm vào các vết thương hở hoặc nước bọt của chúng tiếp xúc vào các mô tiết chất nhầy như mắt, mũi, miệng.
Khá nhiều người có quan điểm rằng khi bị chó đã tiêm phòng dại cắn thì không có khả năng mắc bệnh dại và không cần phải tiêm phòng. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm, bởi trường hợp bị chó đã tiêm phòng dại cắn chỉ có nguy cơ lây nhiễm dại thấp hơn so với trường hợp bị chó chưa tiêm phòng hoặc không rõ nguồn gốc cắn, chứ không phải là không có nguy cơ lây nhiễm dại. Người bị chó đã tiêm phòng dại cắn vẫn cần được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bằng vắc-xin dại. Việc đánh giá tình trạng động vật tại lúc tấn công người và trong 10-14 ngày tiếp theo đó cần được thực hiện với cả động vật đã tiêm phòng dại hoặc chưa tiêm phòng dại.
Trong trường hợp con vật gây ra cho em các vết cào, vết xước có chảy máu hoặc không, liếm trên niêm mạc hoặc các vùng da có vết thương từ trước, thì em nên nghĩ tới việc tiêm phòng ngừa dại. Và vẫn tiếp tục theo dõi con vật trong vòng 10-14 ngày. Nếu con vật vẫn ở trong tình trạng bình thường trong suốt quá trình theo dõi, bao gồm tại thời điểm cắn và 10-14 ngày sau đó thì em có thể yên tâm rằng là mình không có bị lây nhiễm dại từ con vật.
Chúc em luôn khỏe mạnh và hạnh phúc!