Cần làm gì để điều trị khỏi hẳn bệnh giang mai ?
Chào bác sĩ,
Em mắc bệnh giang mai năm 2017 xét nghiệm RPR dương tính và định lượng TPHA là 1:20, 480 và đã tiêm 4 mũi kháng sinh, mỗi tuần 1 mũi ở 2 bên mông ạ. Đến năm 2019 em đi xét nghiệm lại thì RPR dương tính và chỉ số TPHA là 1/5120. Bác sĩ đã cho em tiêm kháng sinh Ben3athin penicillin tiêm 1 tháng, mỗi tuần 2 bắp mỗi bắp 1 lọ. Sau 3 tháng em đi xét nghiệm lại chỉ số là 1/2560 giảm 1 nửa bác si kê em uống kháng sinh và sau 3 tháng em đi xét nghiệm lại vào tháng 2 năm 2020 chỉ số TPHA là 1/2560 và bác sĩ cũng kê thuốc thioserin dạng ống uống và hẹn 6 tháng sau xét nghiệm lại. Vậy cho em hỏi em muốn khỏi bệnh nhanh điều trị tận gốc thì phải làm sao ạ bác sĩ ? Mong bác sĩ giải đáp thắc mắc giúp em.
Em xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Chào em,
Bệnh giang mai là là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Xoắn khuẩn giang mai thường có nhiều trong các tổn thương như: mảng niêm mạc, hạch.... Do vậy bệnh rất dễ lây lan. Bệnh lây truyền mạnh nhất là thời kỳ ủ bệnh khi các thương tổn da và niêm mạc chứa nhiều xoắn khuẩn giang mai.
Trên thực tế, bệnh giang mai có thể chữa được khỏi hoàn toàn với điều kiện phát hiện bệnh ở trong giai đoạn sớm, kết hợp phác đồ điều trị thích hợp của bác sĩ. Trong trường hợp được điều trị sớm và hiệu quả các triệu chứng lâm sàng ban đầu ( trong vòng 2-4 tuần sau khi tiếp xúc với mầm bệnh) bệnh có thể được loại bỏ nhanh chóng, khả năng chữa khỏi là 100%. Còn nếu bệnh giang mai trong gia đoạn 8-10 tuần sau khi bị nhiễm , được điều trị thường xuyên và tỷ lệ chữa khỏi là 97%. Trường hợp phát hiện bệnh trong giai đoạn hai ( sau khoảng hơn 2 năm nhiễm bệnh), tỷ lệ chữa khỏi khoảng 90. Sau khi điều trị, cần theo dõi thường xuyên trong 2-3 năm, cứ 3 tháng một lần trong năm đầu tiên và cứ sau 6 tháng vào năm thứ hai và năm thứ ba. Nếu có tái phát thì điều trị lại.
Như vậy, để có thể điều trị bệnh khỏi tận gốc hay không thì còn phải dựa vào thời điểm của em phát hiện bệnh ở trong giai đoạn nào, chứ không chỉ dựa vào phác đồ thuốc điều trị. Ngoài ra, điều trị giang mai trong bao lâu còn phụ thuộc vào yếu tố tâm lý và ý thức của người bệnh. Thời gian điều trị bệnh này mất ít nhất 6 tháng. Trong giai đoạn này, em phải tuân theo 100% các chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Em cần thực hiện các xét nghiệm định kỳ đúng hạn, kiêng q.h.t.d đến khi bệnh khỏi hoàn toàn, ăn uống đủ chất và luyện tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng. Tránh thức quá khuya hoặc làm việc quá sức để giúp cho sức khỏe của em nhanh chóng hồi phục trở lại.
Chúc em và gia đình nhiều sức khỏe.