Có nên đi tiêm phòng khi chó cắn không chảy máu không ?
Thưa bác sĩ,
Cho em hỏi là em trai của em bị chó nhà cắn ở đầu gối nhưng không chảy máu. Nhưng có bị tróc miếng da nhỏ thì có bị sao không ạ ? Liệu có bị dại không ạ ? Có cần phải đi tiêm phòng ngừa gì không ? Bác sĩ tư vấn giúp em với ạ.
Em xin cảm ơn !

Chào em !
Thông thường, khi bị chó cắn thì đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện nguy cơ bị dại nếu như con vật đang mặc bệnh dại. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus cấp tính có thể dẫn đến tử vong. Khi người bị chó cắn thì virus dại sẽ lây từ nước bọt của chó, qua vết thương hở vào trong máu của người. Tuy nhiên trường hợp nếu nạn nhân không bị chảy máu, tức là da vẫn có sự lành lặn nên nếu chó có bị dại thật thì nạn nhân cũng không bị lây bệnh.
Theo khuyến cáo của WHO về vấn đề tiêm phòng ngừa dại, nếu con vật chỉ liếm trên vết da lành hoặc chất dịch tiết hoặc hoặc chất thải của con vật bị bệnh chỉ tiếp xúc với da lành thì chưa cần phải tiêm phòng ngừa. Nếu vết thương chỉ là gặm nhấm trên da hở, vết cắn, cào nhỏ, vết trầy xước da không chảy máu, vết thương ở khu vực xa thần kinh trung ương như tay, chân... và có thể quan sát được con vật thì có thể chưa cần tiêm phòng ngừa luôn, nhưng sẽ cần phải theo dõi con vật tối thiểu trong vòng 10 ngày. Nếu sau 10 ngày, con chó vẫn khỏe mạnh bình thường thì có thể không cần tiêm phòng. Tuy nhiên, sau 10-15 ngày con chó bị chết hoặc không có khả năng theo dõi được con vật thì cần phải đi tiêm vắc xin phòng ngừa càng sớm càng tốt.
Như với trường hợp của em trai em, vết cắn chỉ là một vết tróc da nhỏ, không chảy máu thì có thể theo dõi con chó trong vòng 15 ngày, chưa nhất thiết phải đi tiêm phòng ngừa. Trong trường hợp các em quá lo lắng hoặc không thể theo dõi con vật thì tốt nhất em trai em nên đi tiêm phòng ngừa dại để có thể an tâm hơn.
Chúc em và gia đình sức khỏe !