Giúp người gặp nạn về nhà lo lắng nhiễm HIV
Em chào bác sỹ. Đêm qua em đi đường thì gặp người bị tai nạn nên có đỡ họ lên. Sau đó em thấy ngứa mắt nên có đưa tay lên dụi. Do trời tối nên em không biết tay có dính máu của người đó hay không. Hình như em dụi hơi mạnh, nên phần da mắt ở dưới hơi rát rát, em không biết là mình có tạo vết thương hở hay không. Với em có dùng tay để gãi mấy vết muỗi đốt dưới chân. Liệu em có bị nhiễm HIV nếu người đó có HIV hay không ạ. Em sống lành mạnh, không tiêm chích, gái gú. Nhưng sau vụ đó em lo quá. Bác sĩ giúp em với ạ

Chào em!
Qua thư của em gửi tới chương trình chúng tôi được biết hiện tại em đang lo lắng không biết mình có bị HIV hay không. Trước đó em có giúp người bị tai nạn giao thông và em đang nghi ngờ là tay mình có dính máu, lại dụi trực tiếp lên mắt và có thể làm xây xước da vùng gần mắt. Với những nguy cơ trên thì khả năng lây nhiễm của em là rất thấp vì những lý do sau:
Thứ nhất, đối tượng mà em tiếp xúc, giúp đỡ là người bình thường bị tai nạn, không phải thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao như nghiện hút, tiêm chích ma túy, gái "bán hoa",... Tỷ lệ người mắc HIV trong cộng đồng hiện nay được coi là đã giảm đáng kể, theo thống kê mới nhất đến năm 2021 thì hiện tại chỉ có 0,242 % người nhiễm, vì thế xác suất người được em giúp đỡ là người bị HIV sẽ không cao. Thứ hai là hiện nay công tác tuyên truyền sử dụng ARV cũng như thuốc phòng phơi nhiễm rất tốt, nên hầu hết những người có nguy cơ và xét nghiệm ra mắc HIV họ đều có sử dụng thuốc ức chế virus này. Khi dùng thuốc ức chế virus thì tải lượng virus sẽ tăng chậm và giảm sau một thời gian sử dụng, có những trường hợp có thể về dưới ngưỡng phát hiện, khi này thường không lây cho người khác, nên nên nói chung nếu như người em giúp đỡ bị mắc HIV thì cũng còn tùy vào việc họ có sử dụng thuốc hay không, nếu họ sử dụng thuốc một thời gian dài rồi thì khả năng lây nhiễm cũng sẽ rất thấp.
Về việc máu bắn vào mắt so với những đường lây khác nguy cơ như thế nào, thì thực ra mà nói trên lý thuyết máu bắn vào mắt có thể lây HIV, do đây là một cơ quan đặc biệt của cơ thể nên có thể lây truyền trực tiếp virus vào máu mà không bắt buộc vùng đó có vết thương hở. Tuy nhiên để lây nhiễm virus sẽ còn phụ thuộc vào tải lượng virus, diện tiếp xúc rộng hay hẹp,... Theo nghiên cứu thống kê cho thấy tỷ lệ lây nhiễm do máu bắn vào mắt xác nhận không tới 1%. Vì thế chung quy lại là nguy cơ lây nhiễm HIV trong trường hợp của em không cao. Còn nếu em muốn có kết quả chính xác nhất thì nên xét nghiệm sau hành vi nghi ngờ 3 tháng, khi này nếu kết quả âm tính thì có thể khẳng định một cách chính xác nhất. Nếu em lo lắng quá có thể xét nghiệm combo HIV sau 28 ngày.
Chúc em sức khỏe!