Người cao tuổi bị chảy dãi không kiểm soát là dấu hiệu bệnh gì?
Em chào bác sỹ, em có một câu hỏi về sức khỏe của bố em cần được tư vấn. Bố em năm nay 76 tuổi, hay bị chảy dãi hai bên mép thành dòng khi ngồi yên. Không rõ đây có phải là dấu hiệu của bệnh gì không. Xin chương trình tư vấn giúp em xem tình trạng của bố em là bình thường ở người già hay là dấu hiệu của bệnh lý, và nếu là bệnh thì có nguy hiểm không. Em nên đưa bố đi khám ở bệnh viện nào ạ. Em cảm ơn ạ!!!

Chào em,
Qua thư của em gửi về chương trình chúng tôi được biết hiện tại bố của em tuổi đã ngoài 70 và có tình trạng thường xuyên chảy nước dãi khi ngồi chơi bình thường, không phải khi ngủ. Em đang lo lắng không rõ như vậy có phải bệnh lý không và nếu là bệnh thì có nguy hiểm hay không.
Tình trạng người cao tuổi có hiện tượng chảy dãi không kiểm soát là hiện tượng không hiếm gặp. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do cơ chế sinh lý bình thường của cơ thể, hoặc đôi khi cũng là do bệnh lý gây nên. Nguyên nhân người cao tuổi thường bị chảy dãi là do các cơ bắp trong cơ thể đều bị lão hóa, nhược cơ, kể cả các cơ vùng mặt, vì thế khi người già không chú ý đến việc kiểm soát nước miếng thì nó sẽ vô tình chảy ra hai bên khóe miệng. Ngược lại những lúc họ chú ý đến và tập trung kiểm soát tình trạng này thì nước dãi sẽ không chảy ra. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể là do các bệnh lý như bệnh Parkinson gây ra. Đây là một bệnh lý hệ thần kinh, xảy ra khi nhóm tế bào não bị thoái hóa, không kiểm soát được vận động của cơ bắp. Bệnh nhân Parkinson thường bị chảy dãi, cử động chậm chạp, đi lại khó khăn. Hoặc nếu như trước đây bố của em có tiền sử bị tai biến thì đây cũng là một trong những biến chứng của bệnh lý này.
Như vậy, theo như trường hợp của bố em thì khả năng cao không phải là các bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên nếu có điều kiện em nên cho bố đi khám sức khỏe tổng quát khi dịch Covid trở nên ổn định hơn. Ngoài ra ở độ tuổi này, các chức năng của cơ thể đều trong quá trình thoái hóa nên nếu có thể đi khám định kỳ khoẳng 6 tháng-1 năm một lần sẽ có thể sớm phát hiện những đấu hiệu bất thường, theo dõi những bệnh lý đang có, điều này sẽ giúp bác sỹ tiên lượng trước và có biện pháp ngăn ngừa nếu tình hình sức khỏe của bố em có chiều hướng xấu đi. Bên cạnh đó, nên chú ý về chế độ ăn uống cũng như tập luyện thể dục thể thao của bố. Người cao tuổi quá trình hấp thu và chuyển hóa thức ăn diễn ra chậm hơn nên cần chế biến thức ăn mềm, cân bằng dinh dưỡng. Nên động viên bố em tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh, đi bộ để tránh tình trạng cứng khớp, teo cơ,...
Chúc gia đình luôn khỏe mạnh!