Chán ghét về nhà không muốn sống tiếp
Cháu là học sinh lớp 11. Học lực của cháu không nổi trội, đặc biệt là môn tiếng anh cháu học rất kém. Gia đình cháu gồm 3 chị em, cháu là con hai. Cháu rất muốn đi học thêm tiếng anh nhưng cháu ghét cảm giác cứ đến đợt nộp học phí là mẹ lại phàn nàn với cháu về chuyện tiền nong. Cháu vừa thi học kì xong và bài kiểm tra của cháu có vẻ sẽ kém, cháu cảm thấy rất sợ và chán nản. Trong gia đình cháu luôn là người phải học giỏi vì chị cháu học kém và bố mẹ luôn đặt áp lực lên cháu. Bất kể chuyện gì xấu trong nhà bố mẹ sẽ nghĩ đến cháu đầu tiên.
Đỉnh điểm là mấy ngày trước bố mẹ cháu đã nghi ngờ cháu ăn cắp máy để bán lấy tiền, trong khi máy bố cháu để quên ở dưới xe và không nhớ. Cháu rất buồn và tủi thân. Bố đã xin lỗi cháu nhưng cháu vẫn không thể vui được vì cháu không hiểu tại sao chuyện gì mọi người cũng nghi ngờ và đổ tội cho cháu đầu tiên. Dạo gần đây cháu cảm thấy ghét về nhà và lúc nằm thường tự nhiên khóc mà không rõ lí do, cháu muốn chết để không phải suy nghĩ gì nữa, cháu muốn bố mẹ hối hận. Cháu ghét cảm giác cứ mỗi lần động vào điện thoại là bố mẹ lại mắng cháu không chịu học. Cháu ghét cảm giác bố mẹ mắng cháu và bảo cháu cãi trong khi cháu đang giải thích.... Thực sự cháu rất muốn ... nhưng cháu lại sợ mà không biết là sợ gì. Lần cuối cháu cười là khi cháu ở cạnh bạn bè chứ không phải gia đình.
Em xin cảm ơn các chuyên gia.

Chào cháu.
Hiện tại cháu đang cảm thấy căng thẳng và mất phương hướng, cộng thêm gánh nặng áp lực thành tích, sự thiếu tin tưởng từ phía gia đình khiến cháu chán nản, gục gã mà không biết phải làm sao. Cháu đang cảm thấy bản thân mình trầm hơn và thấy mất niềm vui trong cuộc sống. Chúng tôi hiểu những tâm sự nơi cháu và cùng cháu trao đổi về vấn đề này nhé.
Căng thẳng của cháu bắt nguồn từ việc chịu áp lực từ phía gia đình, sự thiếu tin tưởng, ganh đua điểm số với bạn bè, kết quả của các kì thi, và việc học nhưng khó tiếp thu bài vở... Trước hết cần nhìn nhận những cảm xúc của cháu là điều hoàn toàn dễ hiểu và cảm xúc đó nó cũng có ở không ít các bạn học sinh trong độ tuổi này. Chắc hẳn các bạn cháu cũng có những suy nghĩ, lo lắng, áp lực tương tự như cháu mà thôi. Tuy nhiên, các bạn ấy đã biết biến lỗi lo lắng thành hành động cụ thể. Hãy đơn giản hóa vấn đề và hãy nhìn vào mặt tích cực của vấn đề. Đừng tự áp cho mình một điều gì đó để bản thân thêm nhiều lo lắng không đáng có. Cháu là một học sinh ngoan ngoãn và biết suy nghĩ cho tương lai và sẽ tốt hơn nếu cháu suy nghĩ tất cả những điều đó theo chiều hướng tích cực.
Ở độ tuổi của cháu khi những họat động tâm – sinh lý có biến động lớn thì luôn nhạy cảm với những câu chuyện dù là lớn hay nhỏ. Khi đó các cháu có suy nghĩ đã là người lớn và có nhu cầu được tin tưởng, thừa nhận, khẳng định cái tôi của bản thân… Tuy nhiên, đứng ở cương vị các bậc phụ huynh lại lo lắng hơn cho con cái vì lo sợ con có những điều thay đổi theo hướng sai lệch. Vậy nên những gì cháu đang nhận thấy từ bố mẹ có lẽ cũng nên thông cảm cho họ, bởi suy cho cùng họ cũng yêu thương con cái và kì vọng ở con cái rất nhiều. Chỉ có điều sự kì vọng đó càng lớn lại vô hình chung làm cháu ngột ngạt mà thôi.
Ở lứa tuổi của các cháu học tập là rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Việc tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động tập thể sẽ giúp cháu thư giãn và thấy nhiều hơn nữa về ưu điểm và khả năng của mình. Cháu đang đi qua quãng đời đẹp nhất - là tuổi trẻ - tuổi của những ước mơ và hoài bão đẹp. Cháu cần một tâm thế thoải mái, một thời gian biểu phù hợp mới có tâm thế để học tập được. Hơn nữa, khi cháu có tinh thần thoải mái thì cháu sẽ tiếp thu bài học một cách dễ dàng hơn. Mặc dù cháu thấy áp lực và khó chia sẻ với mọi người, tuy nhiên cháu đang có những suy nghĩ rất tiêu cực về cuộc sống. Vậy nên trước khi quá muộn, cháu cần trao đổi ngay với những người thân trong gia đình như: ông bà, bố mẹ, anh chị em… Thậm chí cô, dì, chú, bác – một ai đó mà cháu tin tưởng nhất để chia sẻ cùng với gia đình và đưa cháu đi thăm khám tại các cơ sở y tế có khoa tâm bệnh/ tâm thần. Bởi cũng có những bạn trẻ rơi vào tình trạng của cháu và sống quá tiêu cực, suy nghĩ không lối thoát đã rơi vào trầm cảm, lo âu, căng thẳng kéo dài. Vậy nên cháu cần thiết trao đổi với mọi người để tháo gỡ. Khi tâm lý đã thoải mái hơn, cháu cũng có thể tâm sự với mọi người trong gia đình rồi thì mọi người sẽ hiểu cháu hơn và cháu bớt được những áp lực hơn. Chỉ khi trao đổi với nhau mới có thể hiểu nhau hơn. Cháu cũng nên có cho mình những người bạn cùng học tập, cùng chia sẻ bài vở với nhau. Hy vọng cháu sớm lấy lại được tinh thần và vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Chúc cháu sự lạc quan và yêu đời, có nhiều kiến thức bổ ích.