Em trai vô cảm, có "chữa" được không?
Xin chào chương trình tư vấn. Đây là lần đầu tiên gửi lời tư vấn đến chương trình.
Cháu có 1đứa em trai sinh năm 1997. Lúc em cháu học lớp 8 đã bắt đầu chơi game và đã bỏ học cuối năm lớp 8, nhưng cháu thấy em cháu đã trải qua biết bao công việc. Bắt đầu từ học nghề sửa xe Honda, học 1thời gian giữa chừng không đâu vào đâu thì em ấy vào Sài Gòn làm. Vào Sài Gòn thì lông bông, hình như là làm đủ việc,đứng núi này trông núi nọ, xe máy ba mẹ mình gởi vô cho tiện đi làm cũng bán luôn, rồi cháu sợ nó xa ngã không làm 1công dân tốt cháu tìm cách liên lạc và gởi tiền xe cho về quê. Rồi 1năm nữa trôi qua vẫn lông bông như vây, hết năm này qua năm khác.
Đến năm 2014 em ấy nói cháu lo tiền cho mượn để em ấy đi học lái xe. Lúc đó Ba Mẹ cháu không muốn lo cho em ấy nữa. Họ hay la mắng và nói những lời nói dễ làm tổn thương. Bố mẹ cháu là những người lam lũ, họ là những người khổ, làm lụng vất vả để gây dựng và nuôi 4 đứa con. Ngày qua ngày xin tiền đi chơi game xong rồi về đến nhà là ngủ và coi phim.
Hình như em ấy dưng dưng với tất cả mọi việc. Ba Mẹ cháu có nhờ vả gì cũng không làm, có nói lắm cũng làm 1xí rồi thôi.lúc đó cháu suy nghĩ nếu mình không tạo điều kiện cho em ấy có nghề để làm kiếm tiền và lo cho bản thân,không phải ăn bám bố mẹ cháu nữa. Cháu lúc đó đã lập gia đình chưa có con nên cháu cũng có tiền và cháu quyết định bỏ ra trên 20.000.000 triệu để lo cho em ấy có nghề, rồi cuối năm 2014 có bằng C.
Sang năm 2015 bắt đầu tìm việc cũng rất khó khăn, hình như em ấy không có cơ hội phát triển công việc trôi chảy, tìm việc cũng hết tháng 5 cũng chưa có việc ổn định nếu có việc làm cũng không lâu rồi nghỉ. Cứ năm này qua năm khác hoài thôi. Tìm việc đã khó rồi,có việc rồi làm không hợp rồi chán, rồi nghỉ không làm nữa. Hiện giờ vẫn như vậy, vẫn dửng dưng với công việc nhà, vẫn dưng dưng với bố mẹ cháu, hình như em ấy vô cảm với mọi việc, không chịu mở lòng với cháu.
Cháu không biết như thế nào nữa, liệu cuộc sống này có cho em ấy cơ hội làm công dân tốt, biết vươn lên trong cuộc sống không hay chỉ là người không muốn làm việc,chỉ biết hưởng thụ cho bản thân và vô cảm với người trong gia đình. Cháu biết nhiều lúc bố mẹ cháu có những lời làm em ấy tổn thương. Hãy giúp cháu với, làm sao để em ấy hiểu ra và cố gắng vươn lên trong cuộc sống là người có chi tiến thủ.
Cháu xin cám ơn và mong nhận phản hồi

Chào bạn!
Chương trình hiểu rằng bạn đang rất lo lắng cho tương lai của em trai khi cậu ấy có tính lười lao động, ỷ lại và vô cảm với mọi người. Cửa sổ tình yêu cùng bạn chia sẻ nỗi niềm này.
Sự động viên, khích lệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi thói quen hình thành nhân cách của con người. Bạn nghĩ sao về việc bố mẹ thường xuyên mắng mỏ, chửi bới, thất vọng về cậu con trai chơi bời, không có chí tiến thủ? Sẽ có người lấy sự chê bai làm động lực để thay đổi và nỗ lực hết mình để chứng minh với mọi người nhưng cũng có người lại cảm thấy chán nản, không muốn cố gắng, ỷ lại và vô tâm, phó mặc mọi chuyện cho số phận.
Cậu em trai của bạn đang như vậy. Vì thế bạn có thể cùng bố mẹ thay đổi cách trao đổi, trò chuyện với em trai. Thay vì mắng mỏ, không hài lòng thì bố mẹ có thể dành nhiều thời gian tâm sự, phân tích, kiên trì nói chuyện với cậu ấy nhiều hơn. Hãy để cậu ấy thấy mọi người đang hi vọng và đặt niềm tin vào sự thay đổi. Bạn có lợi thế nhiều hơn khi là chị em ruột, việc trao đổi sẽ tình cảm hơn cũng như không có sự áp đặt.
Vậy bạn hãy tạo điều kiện để hai chị em nói chuyện riêng, chia sẻ với cậu ấy những kinh nghiệm sống, trò chuyện về kế hoạch trong tương lai về việc tìm một công việc phù hợp và cố gắng tự lập. Bạn cũng nên nói chuyện với bố mẹ về việc nên động viên khích lệ nhẹ nhàng, không nên dùng những lời lẽ nặng nhẹ làm tổn thương cậu ấy. Hãy chia sẻ với bố mẹ về việc gia đình cần là điểm tựa để em ấy vượt lên chính mình để trưởng thành và tự lập hơn.
Bạn và gia đình cũng cần tránh việc bảo bọc, lo lót giải quyết mọi công việc còn dang dở, giải quyết hệ quả của cậu ấy gây ra. Hãy để cậu ấy tự chịu trách nhiệm với những gì mình đã và đang làm. Hãy thử để cậu ấy phải tự “tay làm hàm nhai” như không phải mọi khoản chi tiêu cá nhân gia đình đều hỗ trợ, chỉ những khoản thật cần thiết để cậu ấy phải tự nhận thức được việc mình đã đủ lớn, cần tự đi kiếm tiền chứ không thể mãi ngửa tay xin tiền bố mẹ, anh chị em.
Trong trường hợp cậu ấy không kiên trì với một công việc nhất định có thể do tính cách hoặc bản thân “cả thèm chóng chán” không nỗ lực, đứng núi này trông núi nọ, quen lối sống tự do, ỉ lại và hưởng thụ thì bạn và gia đình cần phân tích, hỗ trợ em trai để em ấy hiểu khó khăn là điều không tránh khỏi khi bắt đầu một công việc mới ở bất cứ nơi đâu, thay vì chán nản thì hãy cố gắng hết mình để làm việc, sau một thời gian công việc đã quen thì mọi chuyện sẽ trôi chảy hơn.
Nếu cậu ấy có được một thành công nào đó, dù là nhỏ, hoặc được khích lệ về một sự việc nào đó có thể cậu ấy tự tin vào bản thân hơn và nỗ lực thay đổi bản thân.
Cuộc sống không cho em ấy cơ hội mà chính thái độ sống của cậu ấy sẽ là cánh cửa cho cuộc đời của cậu ấy. Cậu ấy nên nhận thức được điều này và sống có trách nhiệm, ý nghĩa hơn. Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc giải quyết vấn đề của gia đình.
Chúc bạn và gia đình những điều tốt lành nhất