Làm thế nào để biết mình có bị trầm cảm không?
Chào bác sĩ! Cháu năm nay 19 tuổi. Cháu muốn được tư vấn xem liệu có phải mình đang mắc bệnh trầm cảm hay không. Vài tuần gần đây cháu luôn có cảm giác lo lắng, bồn chồn, tim đập mạnh, rất hay suy nghĩ về những chuyện đang xảy ra. Thời gian này, cháu rất sợ phải ở một mình, không muốn đến trường và cảm thấy áp lực khi phải đi học, cháu chỉ có thể ngủ khi đang xem phim hay chương trình nào đó trên điện thoại rồi ngủ quên và hay tỉnh giấc sớm. Mỗi lần tỉnh dậy đều thấy hoảng và lo sợ, chỉ muốn cố ngủ tiếp, ngủ mãi. Ngoài ra, cháu rất ngại ra ngoài dù không muốn ở nhà một mình, rất dễ rơi vào trạng thái tiêu cực và khóc lóc rất nhiều. Mong bác sĩ sớm tư vấn cho cháu. Cháu xin cảm ơn ạ!

Chào cháu!
Cháu có từng gặp cú sốc nào về tâm lý hay có chuyện gì khó khăn trong cuộc sống không? Cháu có gặp vấn đề gì về sức khỏe không? Mọi người có ai biết về tình trạng của cháu và cháu có chia sẻ, tâm sự với mọi người về vấn đề này không?
Rối loạn trầm cảm chủ yếu được đặc trưng bởi một hay nhiều giai đoạn trầm cảm, người bệnh phải có ít nhất 5 triệu chứng chủ yếu và hay gặp, trong đó có ít nhất 1 trong 2 triệu chứng chủ yếu là khí sắc giảm (nét mặt của bệnh nhân rất đơn điệu, luôn buồn bã, các nếp nhăn giảm nhiều thậm chí mất hết nếp nhăn) và mất hầu hết các hứng thú/sở thích. Các giai đoạn trầm cảm phải kéo dài ít nhất 2 tuần và có thể gồm thêm nhiều triệu chứng sau: Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân. Mất ngủ, nhưng cũng có thể ngủ quá nhiều. Kích động hay vận động chậm chạp. Giảm sút năng lượng. Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi. Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định. Có ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát.
Với những biểu hiện của cháu thì cũng chưa thể đánh giá và xác định có phải cháu đang bị trầm cảm hay không vì để khẳng định thì cháu cần đến các chuyên khoa tâm thần để chẩn đoán. Cháu có thể cải thiện tình trạng hiện tại bằng cách trò chuyện với người thân, bạn bè; tham gia các hoạt động tập thể, giữ tinh thần luôn thoải mái, đi chơi, du lịch. Cháu cũng cần ăn uống, ngủ nghỉ điều độ bằng việc thiết lập một thời gian biểu và tuân thủ đều đặn. Việc tập luyện thể dục thể thao cũng tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Cháu có thể đi bộ, vận động nhẹ nhàng, hay tập yoga… Cháu có thể đặt ra các mục tiêu nhỏ, khi đạt được thì tăng dần khối lượng tập luyện. Nếu cháu đã cố gắng cải thiện sức khỏe và tâm lý, nhưng mọi việc vẫn không khá hơn thì cháu cũng cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và điều trị bằng các liệu pháp sinh học và tâm lí.
Chúc cháu luôn mạnh khỏe và thành công!