Mẹ "đầu tư" cho con đi theo đa cấp thì con sẽ về với mẹ!
Vợ chồng em ly hôn rồi, cả em và anh ấy đều đã tái hôn. Em và chồng cũ có 1 đứa con gái 20 tuổi, từ ngày ly hôn là con ở với em. Con em thì rất ngoan, học rất giỏi, nhưng có một hôm tự nhiên về bảo mẹ là cho con đi học quản lý kinh doanh. Giờ lên mạng như thế nào thì đi theo đa cấp, hư hỏng, em không dạy được nữa. Em nói thì con bảo con về bỏ với ba và nó đi luôn. Em rất đau lòng mà em không biết phải làm thế nào. Nó ra điều kiện với em là nếu con về với mẹ thì mẹ phải đầu tư cho con đi theo con đường đa cấp. Mong chương trình cho em lời khuyên!

Chào em!
Giáo dục con cái làm sao để con trở thành một người tốt, có trách nhiệm, có ích cho xã hội là một điều không phải dễ dàng đối với các bậc làm cha mẹ. Nhẹ nhàng khuyên bảo thì sợ con hư hỏng, nhưng nghiêm khắc với con quá thì con lại phản ứng ngược, bỏ đi, tranh cãi với bố mẹ. Sự băn khoăn, lo lắng mà em đang trải qua lúc này cũng chính là tâm trạng của nhiều ông bố bà mẹ khác khi có con ở vào độ tuổi này.
Trong thư em chia sẻ rằng trước đây con em rất ngoan, học rất giỏi; nhưng thời gian gần đây thì con đi theo đa cấp, hư hỏng, không nghe lời em; thậm chí là bỏ sang nhà bố và ra điều kiện với mẹ rằng “mẹ phải đầu tư cho con đi theo con đường đa cấp” thì con mới về. Là một người mẹ yêu thương con và mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con cái của mình mà lại chứng kiến cách con hành xử như vậy thì không ai tránh khỏi được những tổn thương, đau lòng. Thực tế, trong thư em không chia sẻ cụ thể việc con em “hư hỏng” như thế nào, hay việc bán hàng đa cấp đó thì ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn ra sao nên chúng tôi chưa thể đánh giá, nhìn nhận một cách chính xác nhất. Vì bán hàng đa cấp cũng là một hình thức kinh doanh, bản chất của hình thức kinh doanh này là tốt, nó chỉ xấu khi bị biến tướng khác đi. Thế nên, em có thể tìm hiểu để hiểu rõ hơn về những hoạt động, cuộc sống của con hiện tại để có cách ứng xử hay giáo dục con phù hợp.
Nếu quả thực, sau quá trình tìm hiểu em cảm thấy hoạt động kinh doanh của con là một hoạt động không tốt, nếu sa đà vào đó thì ảnh hưởng đến công việc, tâm lý, thậm chí cả nhân cách của con thì em cần có những biện giáo dục con. Trước mắt là không nhượng bộ với điều kiện mà con đã đưa ra, không có bố mẹ nào thương con, muốn tốt cho con mà lại tiếp tay cho những hành vi không tốt của con. Khi con bỏ về sống với bố thì em cũng cân nhắc đến việc trao đổi, trò chuyện với chồng cũ để thống nhất về cách giáo dục con như thế nào. Dù em và chồng cũ không còn là vợ chồng nữa, nhưng hai em đã có cùng nhau một đứa con, và giáo dục con là quyền, trách nhiệm, cũng như nghĩa vị của cả hai bên. Thế nên, sự kết hợp của hai người có thể sẽ có hiệu quả hơn trong cách giáo dục con.
Có một điều em cũng cần lưu ý rằng, trẻ khi ở vào độ tuổi này thường có cái Tôi và lòng tự trọng rất cao, thường muốn làm theo những gì mình muốn để chứng tỏ mình là người trưởng thành, tự do, có thể tự quyết định được mọi việc… Chính vì vậy, sự nghiêm khắc quá mức sẽ khó có thể mang đến sự thay đổi tích cực nơi con; thế nên, khi có cơ hội, em, chồng hay bất kì một người nào đó trong gia đình thân thiết, có tiếng nói với con nên trao đổi, trò chuyện, chia sẻ để hiểu con nhiều hơn, giúp con định hướng nhận thức đúng đắn và từ đó có những sự thay đổi về mặt hành vi phù hợp. Sự thay đổi tích cực từ trong nhận thức là sự thay đổi bền vững, lâu dài; nó khác với sự áp chế về mặt hành vi: trước mặt bố mẹ thì con thay đổi, nhưng sau lưng thì có những hành vi không phù hợp; hay hôm nay con có thể nhưng ngày mai con đã có thể lặp lại hành vi đó.
Cuối cùng, chương trình muốn chia sẻ với em thêm rằng, giáo dục con trở thành một người tốt là một hành trình lâu dài, khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhẫn, bền bỉ của các bậc làm cha làm mẹ. Sự thay đổi, hoàn thiện đó không phải trong ngày một ngày hai là đã có kết quả mà có thể mất rất nhiều thời gian. Thế nên, cứ bình tĩnh thôi em gái nhé. Chúc em thành công!
Thân ái,