Thích ở một mình, hành động thường trái với suy nghĩ là bị trầm cảm hay tự kỷ?
Em tên là Th, hiện đang học lớp 8. Em là một người rất thích ở một mình, xem phim và nghe nhạc; thích có một cuộc sống yên bình, hạnh phúc. 99% mọi người tiếp xúc với em nghĩ em là một người hiền, nhút nhát và ít nói. Thực ra em không hề nhút nhát cũng như hiền, mà một khi đã nói thì nói rất nhiều. Em chưa bao giờ tâm sự với những người khác, thậm chí là người thân, em luôn giấu diếm bản thân.
Đối với gia đình thì em yêu họ, có lỗi với họ rất nhiều. Những hành động em làm đối với họ đều trái ngược với suy nghĩ của em, em đã lạnh nhạt với họ. Em thường khóc thầm rất nhiều, suy nghĩ rất nhiều thứ. Em còn cho mình là đang bị trầm cảm hay tự kỉ gì đó. Một hôm em tình cờ tìm hiểu một thứ đó là người sống nội tâm, em rất bất ngờ khi những thứ đó đều giống với em.
Hiện tại em không biết là mình thuộc nhóm bị gì nữa. Hy vọng mọi người hãy tư vấn cho em, cảm ơn rất nhiều ạ.

Thân chào em!
Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển do rối loạn thần kinh gây nên ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Vì vậy chứng tự kỷ là mắc từ khi sinh ra, biểu hiện qua các khó khăn về tương tác xã hội, phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi… Tự kỷ thường sẽ được xác định trong khoảng từ 1 – 3 năm đầu đời. Vì vậy đến thời điểm này chắc chắn em không mắc hội chứng tự kỷ. Có lẽ do mọi người đang quá lạm dụng thuật ngữ này nên khiến em lầm tưởng mình có những biểu hiện của tự kỷ. Hiện tại, bản thân em đang hoàn toàn nhận thức được những việc mình làm và em cảm thấy thoải mái về những điều đó thì như vậy đó là tính cách và mong muốn của em.
Trong độ tuổi dậy thì của em, tâm sinh lý có sự biến đổi vô cùng mạnh mẽ. Những biểu hiện đặc trưng của giai đoạn này như cảm xúc thay đổi thất thường, nhiều khi đối lập, lúc sôi nổi, hào hứng, hoạt bát, muốn giao tiếp với mọi người, thậm chí là muốn “nổi loạn”; nhưng có lúc lại trầm tính, suy tư, muốn ở một mình, đôi khi có cảm giác tự ti về bản thân. Các em cũng thường xuyên trăn trở với những câu hỏi như tôi là ai, tôi là người như thế nào, mọi người nhìn nhận về tôi ra sao, tôi muốn/nên trở thành một người như thế nào… Điều đó khiến các em hoang mang, nghi ngờ về bản thân khi cảm thấy không hiểu nổi chính bản thân mình vì có nhiều sự mâu thuẫn, đối lập. Bởi vậy, nhiều em đã rơi vào trạng thái gọi là khủng hoảng tuổi dậy thì.
Tuy nhiên, dường như trong em luôn thường trực nỗi lo sợ, không tin tưởng vì sợ bị tổn thương, sợ không được coi trọng nên đôi khi em chủ động tự cô lập mình. Thực chất đó là một cách phòng vệ mà em lựa chọn, song điều đó có lẽ càng cho thấy rằng em muốn được giao lưu, muốn được thấu hiểu, coi trọng. Vì vậy, nếu em muốn cải thiện vấn đề của bản thân mình, có lẽ mở lòng mình hơn, suy nghĩ tích cực hơn thì mọi việc sẽ không tệ như em đã từng nghĩ. Đó cũng là cách để em cho bản thân mình cơ hội thay đổi.
Chương trình hiểu rằng cách thể hiện, quan điểm và suy nghĩ của mỗi người đôi khi cũng bị ảnh hưởng bởi những người khác. Tuy nhiên, một người hướng nội là khi họ cảm thấy thoải mái nhất, có nhiều năng lượng nhất khi ở một mình và họ cũng không muốn ai xâm phạm đến khoảng không gian riêng tư của họ. Có rất ít người hoàn toàn là hướng nội hay hướng ngoại mà thường nằm ở trung gian, chỉ có điều là thiên về bên nào nhiều hơn mà thôi. Nói như vậy để có thể giúp em hiểu rõ hơn về bản thân mình và có một câu trả lời rõ ràng hơn cho những trạng thái cảm xúc khác nhau của em.
Hướng nội hay hướng ngoại đều là tính cách của con người, vì vậy không có đúng – sai hay tốt – xấu. Quan trọng là bản thân em biết mình muốn điều gì, đang làm gì và cảm thấy thực sự thoải mái với điều đó. Luôn là chính mình sẽ mang lại cho em sức mạnh, năng lượng để tự tin về bản thân mình hơn. Đôi khi, mọi người xung quanh không quá để ý, dò xét như em nghĩ mà do bản thân em tự cho là như vậy nên vô hình chung em lại chính là người tự tạo áp lực cho mình. Và đặc biệt những tính cách đó không phải là trầm cảm hay tự kỷ như em băn khoăn. Còn nếu em cảm thấy bản thân đã quá tiêu cực trong thời gian dài thì em cần trao đổi với gia đình để mọi người có thể chia sẻ nhiều hơn với em, cùng em đến các cơ sở y tế để đánh giá vấn đề của bản thân. Khi đó em có thể đưa ra cho mình câu trả lời rõ ràng nhất, em nhé.
Chúc em mạnh khỏe và học tập tốt!