Bố mẹ ngăn cấm vì bạn trai “bợm rượu” và tai nạn nặng
Xin chào mong mọi người tư vấn giúp em.
Bạn trai em sinh năm 1995, hiện nay là công an phòng cháy. Em và anh đã yêu nhau được 1 năm. Tuy công việc thường nhậu nhẹt nhiều nhưng anh ấy thường xuyên từ chối, rất hạn chế uống nhất có thể nhưng không phải lần nào cũng có thể không uống, một năm anh chỉ uống có 4 - 5 lần (từ hồi em yêu anh tới giờ). Nhưng mấy hôm trước có bạn đại học từ xa đến mời, nể bạn và cũng vui vì lâu không gặp nên anh uống quá chén. Trên đường về bị tai nạn khá nghiêm trọng, em thấy anh chắc uống nhiều thì mới thế. Chưa bao giờ em thấy anh uống nhiều thế. Bố mẹ em biết được không đồng ý, thường xuyên gây áp lực cho em nói em phải bỏ anh ấy do anh ấy rượu chè nhiều. Nhưng thực chất theo như em thấy anh ấy đã hạn chế nhiều nhất có thể rồi vì ở đơn vị anh tháng nào cũng nhậu nhẹt, nhiều lúc anh ấy phải bỏ cả ăn cơm để không phải vào uống rượu với đồng nghiệp. Nhưng bố mẹ em lại không nghe và cho rằng anh bợm rượu các thứ...
Em muốn hỏi có thật sự anh ấy là người như bố mẹ em nói hay không? Trong khi em lại thấy khác?

Em gái thân mến!
Cảm ơn em đã gửi tâm sự của mình tới chương trình, rất chia sẻ với sự bối rối, lo âu em đang gặp lúc này trong tình yêu. Khi bị gia đình ngăn cản tình yêu thì thực sự đã quá khó để vượt qua rồi, mà chính bản thân mình còn hoang mang về đối phương sẽ càng khó khăn hơn. Chúng tôi hiểu những trăn trở của em và cùng em trao đổi về vấn đề này.
Trong tình yêu, sự khác nhau giữa tính cách, công việc, hoàn cảnh sống, các mối quan hệ xã hội, thói quen tiêu cực, tệ nạn xã hội… cũng là một rào cản cần phải vượt qua. Vì vậy, nếu như muốn bên nhau dài lâu thì hai em cần phải chiến thắng nó và tạo ra sự hòa hợp giữa hai người. Con người không ai hoàn hảo, vì vậy không có tật nọ thì sẽ có tật kia và có lẽ việc “nhậu nhẹt” là một cái tật của không ít các đấng mày râu. Tuy nhiên, theo những gì em chia sẻ đến chương trình thì bạn trai em cũng đã cố gắng rất nhiều để tránh các vụ nhậu nhẹt chứ không phải là thèm uống đến mức nghiện ngập gì cả. Nhưng việc kiểm chứng vấn đề này thì không ai có thể biết được, ngọai trừ anh ấy. Kiểm chứng được hay không thì không quá quan trọng, điều cốt lõi là niềm tin và sự thành thật mà hai em dành cho nhau ra sao. Hai em cũng yêu nhau hơn 1 năm, chắc hẳn cũng phần nào biết được tính cách, con người của nhau, vậy thì niềm tin em dành cho anh ấy là bao nhiêu phần trăm? Niềm tin ấy có đủ để em thuyết phục gia đình hay không?
Đôi khi một câu chuyện xảy ra trùng hợp đúng vào hoàn cảnh cũng là một điều không may, không ai mong muốn. Giống như việc bạn trai em uống rượu và bị tai nạn khá nghiêm trọng cũng là một điều như thế. Có những trường hợp có anh rượu chè suốt ngày nhưng sau những lần đó họ biết cách kiểm soát và không tham gia giao thông nên họ không sao cả. Còn với bạn trai em thì sau khi uống nhiều có lần vui này thôi nhưng lại tham gia giao thông trong tình trạng không tỉnh táo như vậy nên mới gây tai nạn. Đôi khi việc uống bia rượu hay không cũng phụ thuộc nhiều vào tính chất, môi trường công việc. Em cũng cần phải thông cảm với bạn trai vì anh ấy ngoài việc yêu em thì còn phải có công việc và các mối quan hệ bên ngoài xã hội. Nếu như hiểu được điều này thì em và gia đình em sẽ thấy rằng sự việc không đến mức tồi tệ.
Tuy nhiên, việc bố mẹ em ngăn cấm vì nhận đình rằng bạn trai em thường xuyên uống rượu cũng xuất phát từ tình yêu và sự lo lắng của gia đình dành cho em mà thôi. Vì thế em nên hiểu cho bố mẹ, đừng trách cứ gia đình nhé. Vì bố mẹ lo lắng một người đàn ông – trụ cột tương lai của gia đình mà suốt ngày nhậu xỉn thì cũng không thể chấp nhận được, em chắc chắn sẽ khó mà “sống đến đầu bạc” với người chồng nát rượu. Nhìn chung thì việc bố mẹ lo lắng cho tương lai của con cái như vậy là không thừa. Em cũng cần có thêm thời gian để tìm hiểu về bạn trai của mình, em có thể tìm hiểu qua các mối quan hệ bạn bè chung của hai em, mọi người xung quanh, gia đình, đồng nghiệp, thậm chí là người làng xóm để biết anh ấy là một người ra sao. Khi anh ấy đủ sức khỏe trở lại và em cũng nhận thấy được anh ấy là người đáng tin cậy thì “mưa dầm thấm lâu” là cách để hai em thuyết phục gia đình. Chắc hẳn là sau khi gặp gỡ nhiều lần, thấy được những điểm ưu nơi bạn trai em thì bố mẹ nào đành lòng ngăn cấm con cái đến với một người có thể đem lại hạnh phúc cho con mình nữa, phải không em? Hy vọng từ những chia sẻ của chúng tôi, có thể giúp em phần nào trong câu chuyện của mình. ‘
Chúc em luôn vui vẻ, hạnh phúc.