Ở đời thứ năm rồi còn đâu là hôn nhân cận huyết!
Chào CSTY ạ! Em có vấn đề muốn tư vấn.
Chuyện là em có quen 1 anh bạn trai và khi quen xong thì mới biết 2 gia đình có quan hệ họ hàng. Là như thế này: cụ H (em gọi tạm) sinh ra 2 người con, và 2 người con này sinh ra 2 đứa con nữa là ông nội em và ông nội của anh. Gia đình anh bảo quan hệ gần quá và không ủng hộ lắm; nhưng em và ảnh không nỡ chia tay. Liệu như vậy có phải là cận huyết không ạ?
Em mong CSTY có thể tư vấn giúp em ạ!

Em thân mến!
Từ trước đến nay, sự ngăn cấm của bố mẹ trong các mối quan hệ tình cảm dù là vì lý do gì đi nữa cũng đều khiến cho các cặp đôi cảm thấy băn khoăn, khó xử không biết nên lựa chọn, quyết định như thế nào cho đúng. Một trong số những lý do khá phổ biến đó là bố mẹ ngăn cấm kết hôn vì cho rằng con cái có họ hàng với nhau. Tuy nhiên, như thế nào là hôn nhân cận huyết, mối quan hệ như thế nào pháp luật cho phép được kết hôn là điều không phải ai cũng nắm rõ. Dưới đây là chia sẻ của chương trình cùng câu chuyện của em.
Trước hết sẽ là một số thông tin về hôn nhân cận huyết, quy định của pháp luật về hôn nhân cận huyết. Theo như nghiên cứu về mặt y học người ta chứng minh rằng hôn nhân cận huyết có thể sinh con dị dạng hoặc mang bệnh tật di truyền như: mù màu (không phân biệt được màu đỏ và màu xanh), bạch tạng, da vảy cá... Thế nên, về mặt đạo đức hay về mặt pháp luật người ta đều cấm những cuộc hôn nhân cận huyết. Nhưng như thế nào được xem là hôn nhân cận huyết? Ta có thể hiểu, “Kết hôn cận huyết thống là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc trong phạm vi 3 đời”. Đời thứ nhất- cha mẹ; đời thứ hai- anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; đời thứ ba- anh chị em con chú con bác, con cô con cậu con dì. Theo quy định tại Khoản 2 – Điều 5 –Luật Hôn nhân và gia đình (2014) quy định về các hành vi bị cấm trong hôn nhân gia đình: "Cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”. Chính vì vậy, nếu mối quan hệ giữa em và người yêu em không nằm trong phạm vi 3 đời thì việc hai em yêu nhau, kết hôn với nhau là hoàn toàn bình thường.
Trong trường hợp của em, nếu tính ra thì em và bạn trai nằm ở đời thứ 5 trong hệ thống gia đình, cụ thể: Kị em là đời thứ nhất; Cụ em (người sinh ra ông nội em, và ông nội bạn trai) là đời thứ hai; ông nội em và ông nội anh là đời thứ ba; bố mẹ em và bố mẹ anh là đời thứ tư; em và anh là đời thứ năm. Theo đó, nếu em và bạn trai có đến với nhau thì pháp luật không cấm, cũng không có ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái sau này. Nếu bố mẹ em chỉ không ủng hộ vì lo lắng về vấn đề huyết thống này thì em có thể tìm hiểu về pháp luật để trao đổi, giải thích, chứng minh cho bố mẹ thấy việc hai em đến với nhau không có ảnh hưởng gì. Trong trường hợp việc em nói chuyện trực tiếp với bố mẹ là khó khăn thì em cũng có thể nhờ ai đó trong gia đình có tiếng nói với bố mẹ em tác động thêm vào.
Bên cạnh việc trao đổi, thuyết phục bố mẹ thì em cũng có thể tìm cách để cho bố mẹ thấy được tình cảm chân thành của hai em, cho bố mẹ thấy được người yêu em tốt như thế nào, hai người hòa hợp với nhau ra sao… Hy vọng khi bố mẹ em hiểu rõ hơn về mặt pháp luật, cùng với việc thấy được tình cảm chân thành của hai em thì bố mẹ sẽ dần ủng hộ mối quan hệ này.
Chúc em thành công!